Điểm nhấn của ngôi nhà
Giếng trời là một giải pháp kiến trúc mang tính kỹ thuật nhằm lấy sáng và thông thoáng tự nhiên, giải pháp của môi trường vi khí hậu; nhưng về mặt mỹ thuật, giếng trời trở thành một không gian đặc biệt, một điểm nhấn của ngôi nhà.
Thông thường, để có một thiết kế nhà phố đẹp thì giếng trời thường được đặt ở khoảng giữa nhà. Tại vị trí đó, có thể khai thác giếng trời tới ba mặt (một mặt thường giáp tường biên), cho các không gian phòng ngủ, phòng vệ sinh, cầu thang, hành lang… Giếng trời thường được bố trí ở khu vực cầu thang của ngôi nhà hoặc cũng có thể ở một vị trí kém sáng nhất của ngôi nhà.
Vị trí trung tâm làm cho giếng trời hút tầm nhìn, gây ấn tượng thị giác và dễ được đầu tư, chăm chút, hơn nữa còn phân phối lượng ánh sáng và không khí tự nhiên đến toàn bộ ngôi nhà một cách đồng đều hơn. Một ngôi nhà có thể sử dụng nhiều hơn một giếng trời.
Khi thiết kế giếng trời phải đặc biệt chú ý đến luồng lưu thông. Hiểu nôm na, phải có nơi gió vào và chỗ để gió ra. Một vài trường hợp, giếng trời rất rộng nhưng phần “nắp” lại bịt kín bằng mái kính cố định nên chỉ mới giải quyết được một nửa công dụng là lấy sáng, phần lấy gió không có tác dụng.
Cân bằng phong thủy
Với vai trò phân bố ánh sáng và thông thoáng cho nhà, giếng trời thường được bố trí tại trung tâm của mặt bằng nhà (trung cung). Đây là khu vực mang đặc tính của hành Thổ, cân bằng với các hành khác theo nguyên tắc Hỏa thăng – Thủy giáng – Thổ bình hòa hoặc Mộc chuyển – Kim ẩn – Thổ trung dung.
Bốn hành còn lại trong ngũ hành đều lấy Thổ làm cầu nối để tăng giảm, qua lại tương tác với nhau thông qua vật liệu, màu sắc, đường nét của những không gian trống mà giếng trời là đặc trưng.
Việc kết hợp giếng trời và tiểu cảnh phía dưới có tác dụng kích hoạt luồng sinh khí thu được từ giếng trời sẽ rất tốt. Một vài trường hợp không thể đặt giếng trời ở trung cung thì người ta sẽ đặt ở những cung khác cho hợp phong thủy hơn như: một ngôi nhà bị xiên thì người ta sẽ thường đặt giếng trời ở góc đó để sửa chữa được góc khuyết này.
Một số lưu ý khi dựng giếng trời
Vị trí đặt giếng trời: Tuỳ theo kích thước của ngôi nhà mà thiết kế giếng trời ở khu vực phía sau hoặc giữa căn nhà. Thường thì giếng không được đặt ở phần trước bởi mặt tiền luôn thoáng và cũng là đường lưu thông của không khí, ánh sáng. Trong khi đó, phần sau luôn tối và bí nên sự “giao lưu” với khí trời và ánh sáng là cần thiết.
Mặt khác, chiều lưu thông của gió sẽ có đường vào và ra. Chính lỗ thông thủy sẽ tạo lực hút để luồng khí đi từ những cửa trước vào nhà hoặc ngược lại. Phổ biến nhất là giếng trời nằm trên khu vực cầu thang. Đây là nơi thích hợp nhất bởi cầu thang thường đặt ở giữa nhà và kề với bếp. Quanh khu vực cầu thang thường thiết kế các phòng chức năng như ngủ, sinh hoạt chung, học, làm việc..
Giếng trời không nhất thiết phải đặt giếng trời ở trung tâm ngôi nhà
Một số nhà, do cách sử dụng diện tích bề mặt sàn khác nhau nên giếng trời không thẳng đứng, không đồng trục. Thứ nhất, việc “lệch trục” ở mức độ cho phép, nhưng vẫn phải đảm bảo việc thông gió, phần còn lại là ánh sáng sẽ không đạt hiệu quả cao như giếng trời đồng trục theo chiều thẳng đứng.
Vật liệu làm giếng trời: Để tăng công năng của giếng trời vật liệu sử dụng là mái bằng kính hay mái nhựa thông minh có khung sắt bảo vệ. Nếu nhà quá chật hẹp ta có thể dùng kính hay nhựa trong suốt để tăng ánh sáng vào trong nhà, có thể giảm cường độ sáng của giếng trời bằng cách dùng các vật liệu màu cho mái vừa tạo đủ độ sáng vừa làm dịu mát không gian nội thất trong nhà.
Trang trí cho giếng trời: Để tạo không gian thư giãn, vị trí giếng trời trang trí sao cho thật gần gũi thiên nhiên. Có thể tạo ra những mảng xanh trong nhà với chậu treo hoặc dây leo xanh trên bờ tường. Dưới sàn nhà, xen với cây cảnh bạn có thể làm những hồ nước nhỏ, thả cá hoặc hoa để tạo sự cân bằng về mặt phong thủy. Nếu không đủ diện tích thì cũng chỉ cần rải sỏi, đặt thêm vài bình gốm hoặc các vật trang trí, giếng trời của bạn cũng đủ để làm đẹp mắt cho nhiều người…Trên mảng tường có thể ốp đá làm điểm nhấn, những hình vẽ hoa văn trang trí sống động cho bức vách, thêm vài chậu cây cảnh, vật dụng trang trí trên bãi sỏi cũng tạo nên một không gian sống động hơn.
Trang trí giếng trời gần gũi thiên nhiên
Nguồn: St.